Bệnh còi xương ở trẻ em và cách phòng ngừa
Dấu hiệu cuả bệnh còi xương và cách phòng ngừa
Còi xương là gì?
Còi xương là một tình trạng xảy ra ở trẻ em trong giai đoạn tăng trưởng, ảnh hưởng đến sự phát triển bộ xương của bé, khiến xương mềm yếu, khớp dị dạng, to ra và nhạy đau ở các đầu xương. Còi xương có thể dẫn đến hiện tượng chân cong vòng kiềng, gù lưng, vẹo cột sống và các dị dạng xương ở ngực.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra còi xương là thiếu vitamin D. Bé sơ sinh bú sữa mẹ mà không được bổ sung vitamin D và trẻ sống trong điều kiện thiếu ánh nắng mặt trời là những đối tượng dễ đối mặt với nguy cơ còi xương nhất.
Dấu hiệu bé bị còi xương
Bé bị còi xương thường có những dấu hiệu sau:
- Bé chậm lớn: xương không tăng trưởng hợp lý, khiến bé thấp lùn hơn so với các bạn cùng tuổi.
- Xương mềm, yếu, dễ gãy khi có tác động, bé khó lên xuống cầu thang hoặc khó đứng dậy từ tư thế ngồi.
- Các vấn đề về răng: thiếu men răng, răng mọc chậm, dễ sâu răng
- Bé thường bị đau ở cột sống, chân, hông, … khiến bé lười đi lại, dễ mệt mỏi.
- Xương biến dạng: chân vòng kiềng, vẹo cột sống, gù lưng, thóp mềm, …
Các bé còi xương cũng có thể có hàm lượng canxi trong máu thấp (hạ canxi máu), khiến bé dễ giật mình, quấy khóc, nôn trớ, són phân, són tiểu, khi thở có tiếng rít do mềm sụn thanh quản.
Khi thấy con bạn có những dấu hiệu trên, hãy nhanh chóng mang bé đến bệnh viện để được kiểm tra. Bệnh còi xương có thể được điều trị một cách hiệu quả ở phần lớn trẻ em. Hướng điều trị có thể bao gồm: tăng cường vitamin D và canxi trong chế độ ăn, dùng viên uống bổ sung vitamin, …
Cách phòng ngừa
- Đảm bảo cung cấp cho bé một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng chứa nhiều canxi và vitamin D.
o Nguồn thực phẩm cung cấp vitamin D: lòng đỏ trứng, các loại cá béo như cá hồi, cá mòi, cá ngừ, cá trích, cá thu, ..
o Nguồn thực phẩm cung cấp canxi: sữa, phô mai, cua đồng, đậu hũ, mè, nấm mèo, rau mồng tơi, rau bồ ngót, …
- Thường xuyên cho bé chơi ngoài trời để bé tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, nhất là vào buổi sáng.
Xem thêm: http://mebe247.com.vn/